Mặc dù có rất nhiều tổ chức hàng đầu cùng các chuyên gia đều cho rằng Bitcoin (BTC) có thể đạt 100.000 USD vào cuối năm 2021 hoặc những tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên câu chuyện tháng 9 ghi nhận Bitcoin đã không thể thu hút bất kỳ động lực tăng giá nào. Vậy điều gì gây ra áp lực giảm tạm thời này?
DeFi tiếp tục phát triển với tốc độ chóng mặt
Hãy cùng quay trở lại năm 2020, lĩnh vực tài chính phi tập trung (DeFi) đã ghi nhận khối lượng giao dịch chưa từng có và chứng kiến hàng nghìn người dùng khóa tài sản của họ trong nhiều giao thức DeFi để tạo ra lợi tức cao. Vào thời điểm hiện tại, với tổng giá trị bị khóa (TVL) trên Defi đạt gần 200 tỷ USD, cơn sốt DeFi còn bùng nổ vượt trội hơn thế.
Do đó, rất có thể nhiều nhà đầu tư sẽ chuyển đổi lượng Bitcoin nắm giữ của họ sang Ethereum hoặc các token khác hỗ trợ hợp đồng thông minh để tham gia vào cơn sốt với mật độ tần suất mạnh mẽ hơn trước đây.
Đặc biệt trong bối cảnh những tảng nổi bật tập trung vào hợp đồng thông minh hiện nay, kết hợp cùng sức tăng trưởng ấn tượng đã thiết lập hệ sinh thái DeFi của riêng họ với các dApp dày dặc và phí rẻ hơn cũng như tốc độ giao dịch nhanh hơn so với công nghệ blockchain hiện tại của Ethereum.
Có thể kể đến những đại diện phổ biến như Solana (SOL) tăng 177% chỉ trong tháng 8, với hơn 2,5 tỷ USDC hiện đang được lưu hành trên Solana, đã đẩy các nhà giao dịch tổ chức “đổ bộ” đến SOL khi nhu cầu dành cho ETH và BTC giảm xuống.
Hay Avalanche (AVAX) là gương mặt tâm điểm trong tháng 9, liên tục phá đỉnh bất chấp xu hướng “trì trệ” của Bitcoin và phần lớn thị trường. Đồng thời, các mảnh ghép đang quá hoàn hảo để AVAX thật sự có bước đột phá lớn hơn trong tương lai. Lợi nhuận mà hệ sinh thái AVAX mang đến cho các nhà đầu tư trong không gian DeFi không hề nhỏ, điển hình là BENQI đạt 1 tỷ USD TVL chỉ sau 1 tuần ra mắt.
Sẽ là thiếu sót lớn nếu bỏ qua Cardano (ADA). Một trong những thế lực lớn nhất của crypto đang rất “bận rộn” với chiến dịch thâm nhập DeFi của mình. Cardano có thể là “miền đất hứa” dành cho các nhà đầu tư nhắm đến để mong muốn tỷ suất lợi tức cao hơn khi ADA triển khai toàn diện.
“Quả bom” NFT kích hoạt
Không chỉ DeFi đang đánh mất “hào quang” từ Bitcoin. Thị trường NFT cũng đã đạt được những thành công đáng kể vào năm 2021. Số tiền chi tiêu để mua NFT trong khoảng thời gian 30 ngày đã tăng ấn tượng từ khoảng 10 triệu USD vào đầu năm 2021 lên khoảng 2,6 tỷ USD vào ngày 17 tháng 9.
Do sự phát triển vượt bậc của DeFi và NFT, sự thống trị của Bitcoin hay còn được biết đến là chỉ số Bitcoin Dominance (BTC.D), vốn được xem là “mật mã Da Vinci” của giới đầu tư crypto đã giảm đáng kể. Vào đầu năm BTC.D đã đạt đến 69,7%, nhưng hiện đã giảm chỉ còn khoảng 42%.
Nói cách khác, Bitcoin không thu hút được mức độ quan tâm và chú ý như cách đây 9 tháng. Điều này có thể chỉ ra lý do tại sao BTC đã phải vật lộn để đạt được những động lực mua cần thiết để vượt qua mức 50.000 USD.
Áp lực pháp lý từ Hoa Kỳ
Thượng viện Hoa Kỳ gần đây đã thông qua Dự luật cơ sở hạ tầng 2,5 nghìn tỷ USD gây tranh cãi. Một phần của đề xuất bao gồm việc sửa đổi các quy tắc xung quanh việc đánh thuế tiền mã hóa để giúp thực hiện dự luật khổng lồ này.
Rõ ràng, chính phủ Hoa Kỳ đang làm mọi cách để đưa crypto vào khuôn khổ pháp lý chung. Không chỉ riêng Dự luật cơ sở hạ tầng được đưa ra, chúng ta còn gặp phải rào cản từ nhiều phương diện khác đi từ quy định báo cáo tiền mã hóa đến các điều khoản về thuế của dự luật này. Vào ngày 24 tháng 9, Dự luật Quốc phòng có điều khoản tiền mã hóa cũng vừa được Hạ Viện phê duyệt.
Mặc dù đã có nỗ lực của một nhóm lưỡng đảng gồm các thành viên quốc hội thân thiện với crypto để sửa đổi dự luật, nhưng có vẻ như ít có khả năng có thể thực hiện được nhiều điều để thay đổi các yêu cầu báo cáo về tiền điện tử trước khi được thông qua thành luật.
Bên cạnh đó, việc “càn quét” của SEC trong thời gian gần đây đã tác động không nhỏ đến sự phát triển của crypto nói chung. SEC đang làm rất gắt gao trên tổng thể thị trường mã hóa, với tuyên bố của Chủ tịch SEC Gary Gensler muốn “làm sạch” tiền mã hóa trước khi quá muộn.
Mặc dù phải đối chọi với rào cản pháp lý, điểm sáng ETF có lẽ là tín hiệu lạc quan dành cho cộng đồng nhà đầu tư hiện tại. Chiến lược gia Bloomberg nói Mỹ sẽ phê duyệt ETF Bitcoin vào tháng 10, giá BTC đạt 100.000 USD. Khả năng này có thể xảy ra dựa vào gợi ý của Gary Gensler về việc chấp thuận Bitcoin ETF được đưa ra vào đầu tháng 8 năm nay.
Đồng USD đang trên đà phục hồi và tăng giá
Sau khi công bố báo cáo doanh số bán lẻ cho tháng 8, đồng USD đã tăng lên mức cao nhất gần ba tuần vào ngày 17 tháng 9. Doanh số bán lẻ tăng 0,7% mặc dù kỳ vọng chúng sẽ giảm 0,8%. Dữ liệu này cho thấy nền kinh tế Mỹ đang có xu hướng tăng giá và các doanh nghiệp đang hòa mình vào thực tế thị trường mới sau đại dịch Covid 19.
Bất chấp sự bùng phát của Covid 19, sự thèm muốn chi tiêu của Hoa Kỳ vẫn không giảm. Do đó, một nền kinh tế đang phục hồi có nghĩa là ít quan tâm hơn đến các tài sản phòng hộ như Bitcoin. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu Bitcoin dường như yếu hơn và ảnh hưởng trực tiếp đến giá BTC.
Một dữ liệu kinh tế khác có thể đã thúc đẩy phản ứng mờ nhạt đối với thị trường Bitcoin là tỷ lệ lạm phát của Hoa Kỳ giảm từ 5,4% xuống 5,3% vào tháng 8. Trong khi một số người tin rằng con số này là cao so với các số liệu lịch sử của đất nước, những người khác lại coi đó là một chỉ báo tích cực, cho rằng tình hình có thể còn tồi tệ hơn nhiều.
Trung Quốc cấm Bitcoin trên diện rộng
Vào ngày 24 tháng 9, Trung Quốc tuyên bố tất cả giao dịch tiền mã hóa đều là “bất hợp pháp”. Điều này có nghĩa là hầu như tất cả các hoạt động liên quan đến giao dịch tiền mã hóa lần đầu tiên bị cấm tại quốc gia này, bao gồm mua, bán hoặc giao dịch các đồng coin như Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH) và Tether (USDT).
Mặc dù trước đây Trung Quốc cũng đã có những biện pháp ngăn cản Bitcoin, nhưng đây là lần đầu tiên quốc gia này thực hiện lệnh cấm nghiêm trọng nhất trong lịch sử với thị trường mã hóa. Để có thể tìm hiểu tổng quát về “cuộc chiến” kéo dài giữa Trung Quốc và Bitcoin, mời bạn đọc tìm hiểu qua video dưới đây.
Tỷ giá Nhân dân tệ/USDT trên các sàn OTC Trung Quốc sụt giảm mạnh, kéo theo các token Trung Quốc lao dốc. Nhiều sàn giao dịch phổ biến như Huobi Global đã đưa ra thông báo cấm người dùng Trung Quốc, Binance cũng đang “rục rịch” tiếp bước khi chặn giao dịch giao ngay và tiền gửi fiat đối với người dùng tại Singapore.
Điều này vô tình đề nặng lên tâm lý của phần lớn các nhà đầu tư, kết hợp lời khẳng định từ chính phủ Trung Quốc rằng Bắc Kinh sẽ không bảo lãnh cho “quả bom” Evergrande, lại càng khiến họ lo sợ hơn về viễn cảnh “đen tối” của thị trường và bán tháo Bitcoin trong giai đoạn này. Giá Bitcoin đang giao dịch xung quanh 42.584 USD vào thời điểm thực hiện bài viết, sau khi trải qua 3 “cú dump” liên tiếp trong 3 tuần tháng 9.
Bình Luận