Đà tăng trưởng chóng mặt, đầy vẻ hào nhoáng của Bitcoin về quy mô lẫn giá trị đã khiến nó cùng những đàn em mới nổi khác như Ethereum, Litecoin hay Ripple trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết với không chỉ trong mắt của các nhà đầu tư, mà cả những người dù ít có kiến thức về chúng.
Tuy nhiên, trước khi đi đến quyết định đầu tư vào đồng tiền ảo này, bạn cần phải thật sự tỉnh táo và giữ cho mình một cái đầu lạnh để tránh khỏi các thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên thế giới Internet.
Nhận Biết Dấu Hiệu Lừa Đảo Của Các Dự Án Tiền Ảo, Tiền Điện Tử
- Các dự án có xu hướng phát triển theo mô hình tiếp thị đa cấp: Thường thì các dự án này sẽ huy động vốn theo các lời mời gọi hấp dẫn như Bitkingdom: Chỉ cần bỏ ra 10 triệu và bạn sẽ được hoàn vốn trong 3 tháng. Nếu bạn lôi kéo thêm thành viên vào thì sẽ được hưởng % hoa hồng từ số tiền họ đầu tư vào.
- Các dự án ICO không có tính cộng đồng.
- Không công bố danh sách người sáng lập và đội ngũ phát triển: Đây là chiêu trò của các dự án lừa đảo để không ai có thể truy lùng ra dấu vết của họ nếu họ ôm tiền và trốn chạy.
- Các dự án đồng tiền ảo không có ví riêng hoặc liên kết với các ví kém uy tín: Hầu hết đều không có ví tiền riêng mà phải giao dịch trung gian qua các đồng tiền ảo uy tín như Bitcoin, ETH, Zcash hoặc tiền mặt.
- Hệ thống bảo mật tài khoản thấp.
- Không thông cáo báo chí và không xuất hiện trên các trang phát triển dự án ICO.
- Không công khai mã nguồn, mã nguồn không được xuất bản trên các trang uy tín đặc biệt là Github.com.
- Dự án ICO có dấu hiệu lừa đảo chỉ hoạt động ở một số quốc gia nhất định.
- Không mở bán token công khai, hoặc coin không xuất hiện trên các trang mua bán tiền kỹ thuật số như Coinmarketcap.com. Các thông số như vốn hóa thị trường, số lượng token phát hành, tỷ giá, khối lượng giao dịch,… đây là những yếu tố cần phải được công khai.
- Các coin của dự án ICO lừa đảo không được đưa lên các sàn uy tín như Bittrex, Poloniex.
5 Chiêu Thức Lừa Đảo Bitcoin Phổ Biến Nhất Hiện Nay
Ví bitcoin giả
Để có thể thực hiện các hoạt động mua bán bitcoin, người chơi buộc phải có ví. Có bốn loại ví tiền ảo chính, đó là ví điện tử, ví trên web, ví trên máy tính để bàn và ví cài trên điện thoại di động. Trong số đó, ví trên điện thoại di động là mục tiêu lớn nhất mà những kẻ lừa đảo nhắm tới.
Cụ thể, kẻ gian tạo một ứng dụng ví giả giống như ví bitcoin uy tín, thường là Coinbase hay Mycelium. Chúng được làm giả hết sức tinh vi, giống với ví thật từ chức năng đến logo, sau đó tải lên cửa hàng ứng dụng. Một số sẽ lọt qua khâu kiểm tra an ninh của Apple đối với App Store hay Google với Play Store và nghiễm nhiên trở thành ứng dụng hợp pháp.
Nếu tải về, bạn vô tình “dâng” tài khoản bitcoin cho kẻ gian mà không hề hay biết. Ban đầu, ví giả vẫn hoạt động bình thường nhưng khi số tiền được lưu trữ ở mức nhất định, nó sẽ “không cánh mà bay” vào ví của kẻ lừa đảo. Do đó, trước khi tải về ứng dụng ví tiền ảo, bạn nên xem kỹ mức tin cậy của nó.
Dịch vụ khai thác Bitcoin giả
Những dàn máy đào bitcoin hiện nay có giá không hề rẻ và không phải ai cũng đủ tiền đầu tư chúng. Bên cạnh đó, việc lắp đặt và vận hành máy đào bitcoin tại nhà tốn kém và khó khăn là lý do nhiều nhà đầu tư tiền ảo tìm đến dịch vụ đào bitcoin thuê.
Bằng cách lập ra các công ty dịch vụ cày bitcoin “ma” và mời gọi người thuê bằng chi phí thuê rẻ, lợi nhuận cao hơn so với nơi khác, kẻ gian đã lợi dụng điều này để lừa đảo. Ban đầu, để tạo sự tin tưởng, chúng vẫn trả tiền cho người thuê bình thường. Nhưng khi “con mồi” đã vào tròng (mua những gói cao hơn), chúng sẽ ngưng trả tiền và biến mất cùng với số tiền nạn nhân đã đầu tư.
Thu hút đầu tư
Tương tự như lừa đảo bằng cung cấp dịch vụ khai thác Bitcoin giả, nạn nhân thường được hứa sẽ thu được lợi nhuận cao khi đầu tư vào dự án của họ. Thời gian đầu, những nhà đầu tư vẫn được chia lợi nhuận như hứa hẹn, nhưng sau khi đã gom đủ tiền, kẻ gian sẽ đóng cửa hệ thống và “cao chạy xa bay”.
Hiện nay, đa số các quốc gia trên thế giới (trong đó có Việt Nam) chưa chấp nhận Bitcoin, cũng như luật pháp không bảo vệ người sở hữu tiền ảo này. Chính vì thế, một khi bị lừa đảo, bạn coi như mất trắng toàn bộ số tiền đã đầu tư.
Lừa đảo bằng hình thức đa cấp
Việc tiếp thị đa cấp MLM (Multi Level Marketing) đã xuất hiện từ lâu, nhưng cũng bị lên án sau khi hàng loạt vụ lừa đảo kinh doanh theo dạng này xuất hiện. Gần đây, nó cũng được áp dụng vào thị trường tiền ảo bitcoin.
Cũng giống như các mô hình kinh doanh khác áp dụng MLM, giới chủ luôn hứa hẹn sẽ chi các khoản hoa hồng “kếch xù” khi giới thiệu sản phẩm thành công. Khoản tiền chi ra không phải là lợi nhuận công ty, mà từ tiền của những người đầu tư sau. Cứ thế, khi số tiền ngày càng phình to đến mức nhất định, nó sẽ “bóc hơi” cùng với kẻ lừa đảo.
HuongDanBitcoin.com xin lưu ý cho bạn những loại tiền ảo có hình thức kinh doanh đa cấp hoặc bị nghi ngờ hoạt động theo hình thức này mà bạn phải tránh xa nếu không muốn “rước họa vào thân”, điển hình và nổi tiếng nhất trong số này đó chính là đồng Onecoin (một dự án kinh doanh tiền ảo tại Bulgaria), chuyên trang CoinTelagraph từng có bài phân tích cảnh báo rằng: “Onecoin bị nghi ngờ hoạt động theo mô hình lừa đảo đa cấp vì không có bất kỳ bằng chứng nào hỗ trợ cho những tuyên bố quảng cáo của họ”, CoinTelegraph còn chỉ ra rằng nhiều giám đốc Onecoin từng tham gia vào các hoạt động lừa đảo khác. Những thông tin trên website về bằng cấp, kinh nghiệm của bà Ignotava (nhà sáng lập kiêm điều hành của OneCoin) như lấy bằng tại Đại học Oxford và từng làm giám đốc điều hành tại quỹ đầu tư tư nhân Bulgaria CSIF không hề được tìm thấy trong các tài liệu khác.
Tiếp theo là các đồng tiền ảo, tiền điện tử được ra đời tại Việt Nam như Wci-coin, Cryptaur Coin hay AOC, điểm chung của các loại tiền ảo này là đều có những điểm mập mờ trong việc kinh doanh mà các thành viên đều vô tình (hay cố ý) bỏ qua. Theo giải thích của những người đứng đầu thì hình thức kinh doanh của mạng lưới này là bất kỳ một đồng tiền khi đưa vào hệ thống sẽ được mang đi đầu tư và khai thác tiền tệ kỹ thuật số. 50% lợi nhuận sẽ được chia đều cho các thành viên trong hệ thống và 50% được sử dụng để tăng sức mạnh và khai thác cũng như củng cố mối quan hệ kinh doanh với các công ty dành riêng cho sự phát triển công nghệ, thương mại và khai thác Bitcoin. Song cụ thể là tiền sẽ được đầu tư vào đâu? Và ai sẽ trực tiếp quản lý số tiền này thì các thành viên đều không biết!?
Ngoài ra, mô hình đa cấp của Bitkingdom và Bitconnect (BCC) có rất nhiều dấu hiệu cho thấy nguy cơ tiềm ẩn có thể sập bất cứ lúc nào và những người vào sau sẽ trở thành những nạn nhân trắng tay !
Đánh cắp thông tin
Phishing là hình thức lừa đảo thường được kẻ gian sử dụng để đánh cắp thông tin người dùng. Với người đang sở hữu bitcoin, kẻ gian sẽ gửi một email, trong đó cảnh báo nguy hiểm về số tiền ảo bạn đang có trong ví và yêu cầu bạn phải rút ra bằng cách đăng nhập vào hệ thống thông qua liên kết đính kèm.
Nếu không sáng suốt và đăng nhập vào hệ thống của kẻ gian, bạn sẽ bị đánh cắp tài khoản và bị rút hết tiền mà không thể làm gì hơn. Do đó, cách tốt nhất là bạn phải thật tỉnh táo và cảnh giác khi nhận các email lạ có chứa liên kết đáng ngờ để tránh bị “tiền mất tật mang”.
Top Những Đồng Tiền Điện Tử Lừa Đảo
Onecoin
Chắc hẳn các bạn không còn lạ gì với đồng tiền OneCoin là một đồng “nổi tiếng” nhất trong tất cả các đồng tiền lừa đảo. Vì vậy, không có gì là lạ khi HuongDanBitcoin.com đề cập đến OneCoin đầu tiên. Nhưng chính xác thì Onecoin là gì và hệ thống lừa đảo của nó hoạt động như thế nào? OneCoin là một đồng coin lừa đảo theo mô hình Ponzi (đa cấp) chạy trên một Blockchain riêng được quản lý bởi Công ty Onecoin có trụ sở ở Gibralta. Chỉ trong 1 năm, công ty này đã thu về hơn 50 triệu USD do hoạt động kinh doanh sản phẩm bất hợp pháp nhờ chiến lược quảng bá mạnh trên Facebook.
Sản phẩm chính của Onecoin đó là các tài liệu giao dịch, hoặc những gói sản phẩm có giá từ 100 Euro đến 118.000 Euro bao gồm các Token để khai thác mỏ Onecoin ở Bulgaria và Hồng Kông. Ta có thể thấy rằng công ty này không hề bán đồng tiền kỹ thuật số mà chỉ bán các gói tài liệu. Ý và Trung Quốc là những nước đầu tiên phơi bày bản chất lừa đảo của OneCoin.
LCF Coin
LCF Coin hiện tại đang làm mưa làm gió tại Trung Quốc. Đồng tiền ảo LCF Coins đang trong giai đoạn prelaunch (giai đoạn mà công ty mời gọi các thành viên đăng ký và giới thiệu) nhưng không có bất kỳ trang web hay mạng xã hội nào. Ngược lại, chúng đang quảng cáo thông qua Google và đã bán được hơn 600.000 sản phẩm.
Tại sao LCF Coins bị xem là lừa đảo? Công ty tư vấn tài chính Rothschild & Co của LCF Coins đã cảnh báo mọi người không nên tin vào đồng tiền điện tử này:
“Kế hoạch này có mục đích là một quỹ đầu tư liên quan đến các loại tiền kỹ thuật số và nhiều điều khác trên internet, họ trả tiền theo từng đợt dựa trên thời gian tham gia của nhà đầu tư. Điều này cho thấy quỹ này rất giống với một hệ thống Ponzi.”
Chính công ty tư vấn tài chính của LCF Coins đã lên tiếng thì không có lý do gì mà không nghi ngờ đồng tiền này cả.
Centurion Coin
Nằm ở vị trí thứ 3 đó chính là Centurion Coin (CNT). Nhờ có trang web của Ý là Truffacoin, ta có thể xác nhận rằng đồng tiền điện tử Centurion Coin chính là một chương trình Ponzi. Có đôi chút giống với OneCoin hay Centurion Coin chỉ khác một điều là họ mở một quỹ từ thiện.
Trên trang web của Centurion Coin, bạn có thể thấy được tên của các thành viên trong nhóm phát triển, nhưng danh tính thực sự của những người này bị ẩn phía sau một công ty ở Dubai. “Tổ chức từ thiện” này đã tặng 5 triệu đồng xu, nhưng theo các nhà khai mở block của Centurion Coin, hiện tại có đến 50.000.086.400 đồng CNT đã được khai thác trước trong đợt đầu tiên hồi tháng 12/2016.
Earthcoin
Earthcoin (EAC) cũng nằm trong danh sách này dù cho đây là đồng tiền có vẻ hợp pháp nhất trong top 5 đồng tiền lừa đảo. Nó thậm chí còn được nằm trong danh sách của Coinmarketcap. Khi tìm kiếm Earthcoin trên coinmarketcap.com, vào khoảng tháng 6 thì chúng ta có thể đọc được mức vốn hóa thị trường của Earthcoin là khoảng 935.000 USD và có đến 9.346.468.332 EAC, nhưng dường như nó không quá thuyết phục.
Những đồng Earthcoin (EAC) được khai thác trước và thậm chí là các bản sửa lỗi, điều này cho thấy nguồn cung ban đầu của đồng tiền này được tạo ra tự động bởi các nhà phát triển trước khi ra mắt công chúng. Điều này có nghĩa là những người khai thác mỏ không tạo ra nguồn cung theo thời gian như chúng ta thường thấy. Ngoài ra, họ không có một trang web tốt và không cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết về chính Earthcoin và khối lượng của nó. Trong thế giới phi tập trung của các đồng tiền điện tử thì điều này là quá đáng ngờ đối với các nhà đầu tư.
Ifan, Pincoin, Davor
Ngày 8/4/2018 vừa qua, hàng chục người kéo đến trụ sở Công ty Cổ phần M.T. tại TP.HCM tố cáo bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng. Số lượng người bị lừa được cho là lên đến 32.000 người vì đã tham gia vào mô hình đầu tư tiền ảo IFan, Pincoin.
IFan bắt đầu chiến dịch tô hồng cho sản phẩm của mình từ giữa năm ngoái, với ý tưởng xây dựng một trung tâm kết nối giữa các nghệ sĩ và người hâm mộ, chẳng hạn như mua bán album ca nhạc, chia sẻ thông tin,…
Thậm chí dự án này còn đưa ra “bánh vẽ” sẽ giúp người dùng nhập tịch Mỹ, hoặc dùng để thanh toán như thẻ Visa, hay sẽ tiến hành niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ).
Sau khi có vẻ ngoài bóng bẩy, đòn “chốt hạ” của IFan chính là mô hình kêu gọi vốn ICO “thời thượng” trong giới công nghệ blockchain hiện nay, kèm theo các gói ủy thác cho vay (lending) lấy lãi và thu hút người tham gia bằng mô hình kinh doanh đa cấp.
Để thu hút nhiều người tham gia trong thời gian ngắn, hình thức kinh doanh đa cấp được tận dụng tối đa. Hoa hồng giới thiệu mạng lưới được chia theo cấp độ, lần lượt là 8%, 4%, 2% và tiếp tục với các cấp kinh doanh phía dưới.
S-Coin
S-Coin (Coinspace) là đồng tiền điện tử cuối cùng trong danh sách Top lừa đảo này. Nó hoạt động giống như Onecoin vì công ty cung cấp kế hoạch phát triển không bền vững. Coinspace đã bán 12,000 gói token, nhưng giá trị của chúng không gắn liền với bất kỳ thực thể nào và không có nguyên lý cơ bản về cung và cầu. Đó chính là những dấu hiệu cho thấy đây là một đồng tiền đáng ngờ mà mọi người nên chú ý tránh xa.
Bình Luận