Rất khó đứng vững trước áp lực đuổi kịp bạn bè, những người hàng xóm và những ngôi sao trên mạng xã hội thường xuyên chia sẻ về hiện tượng giàu lên nhanh chóng.
Dù bạn đang đầu tư vào cổ phiếu meme, tiền số hay bất động sản, ở thời điểm hiện tại chắc hẳn nhiều người đang mua vào với tâm trạng hồi hộp xen lẫn hi vọng. Kể cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp với kiến thức và kinh nghiệm dày dặn cũng ít nhiều bị tâm lý chi phối hơn là lý trí.
Nhà đầu tư kỳ cựu cũng “dính” FOMO
Trong bài phỏng vấn với tờ Hustle hồi tháng 5, nhà đầu tư tỷ phú Stanley Druckenmiller chia sẻ ông đã mua Bitcoin sau khi chứng kiến giá tăng vọt và cảm thấy lo sợ rằng mình đang bị bỏ lại phía sau và bỏ lỡ điều gì đó. “Tôi cảm thấy bản thân như 1 kẻ ngốc”, ông nói.
Đây không phải là lần đầu tiên Druckenmiller cảm nhận được hiệu ứng FOMO (lo sợ bỏ lỡ điều gì đó). Năm 1999, ông mua vào số cổ phiếu công nghệ trị giá gần 6 tỷ USD và mất 3 tỷ USD chỉ trong 6 tuần. “Thực sự đó là tình huống hoàn toàn phụ thuộc vào cảm xúc, và tôi không thể tự ngăn bản thân lại”, ông chia sẻ vài năm sau.
Lần này, ông lại trở thành ví dụ cho 1 nhóm nhà đầu tư ở các nền kinh tế phát triển đang mua vào trong hoảng loạn sau hơn 1 năm thế giới bị đảo lộn vì đại dịch.
Hiệu ứng FOMO không chỉ có trên thị trường tiền số. Đó còn là AMC, GameStop, Tesla – các cổ phiếu được đặc biệt ưa chuộng trên Twitter và Reddit; là những ngôi nhà và căn hộ chung cư được mua ngay sau khi rao bán. Rất khó đứng vững trước áp lực đuổi kịp bạn bè, những người hàng xóm và những ngôi sao trên mạng xã hội thường xuyên chia sẻ về hiện tượng giàu lên nhanh chóng. Như ví dụ của Druckenmiller, không chỉ các nhà đầu tư nhỏ lẻ hay những “tay mơ” rơi vào hiện tượng FOMO.
Một thế hệ mới các nhà đầu tư chứng khoán quan niệm các cú sập của thị trường chỉ là cơ hội để bắt đáy mà thôi. Số tài khoản mở mới tăng lên mức cao kỷ lục. Trong khi đó lãi suất siêu thấp khiến nghiệp vụ flipping (mua nhà cũ, tân trang và bán lại ăn chênh lệch) mang lại khoản lợi nhuận kếch xù – trung bình khoảng 66.000 USD trên mỗi căn nhà, theo công ty nghiên cứu Attom Data Solutions.
Người dân háo hức chi tiêu bù sau 1 năm bị hạn chế bởi các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh đang có rất nhiều cách để thử vận may trên thị trường tài chính. Họ bị hấp dẫn bởi các ứng dụng giao dịch chứng khoán miễn phí, các cuộc bàn luận về cơ hội làm giàu sôi nổi trên mạng xã hội và cả những quỹ ETF mà nhà đầu tư có thể vào và ra dễ dàng như mua cổ phiếu.
Thị trường tiền số gần như không có rào cản gia nhập, đi kèm với mức tăng giá chóng mặt và khả năng giao dịch 24/7. Nhờ Twitter, WhatsApp và YouTube, bạn tiếp xúc rất gần với những nhân vật đang ngồi trên núi tiền khổng lồ mà họ thu được từ tiền số.
Điều khiến làn sóng FOMO hiện nay lan rộng là những hiệu ứng sóng ngầm lan rất nhanh và rất rộng. Bạn sẽ cảm thấy hết sức vô lý nếu so sánh đà tăng giá cổ phiếu với tình trạng kinh doanh thực tế của AMC và GameStop. Tuy nhiên dưới sức nóng hiện nay giá trị của các chuyên gia tài chính cũng bị “nung chảy”.
Các cố vấn tài chính đứng trước sức ép phải nói về tiền số với các khách hàng của họ và lo sợ mình bị đánh giá là lạc hậu, như 1 người đã chia sẻ với CNBC. Từng đạo mạo bước vào các phòng họp của ban giám đốc để chỉ cho các giám đốc điều hành cách vận hành doanh nghiệp, giờ đây họ lại gặp những câu hỏi như công ty nào vừa lên sàn và đạt mức giá trị vốn hóa tỷ đô dù doanh thu bằng 0.
Cơn sốt lan đến cả giới chính trị. Ở Anh, chính trị gia Tom Tugendhat của đảng Bảo thủ đứng giữa Quốc hội cảnh báo các đồng nghiệp về chuyện Ethereum sẽ lấn át Bitcoin và thao thao bất tuyệt về những thay đổi mà công nghệ blockchain mang lại.
Liệu lịch sử có lặp lại?
Edmund Shing, CIO của BNP Paribas Wealth Management, chỉ ra một vài yếu tố tạo nên cơn sốt: các gói kích thích khổng lồ của các chính phủ và NHTW, thế giới tiết kiệm thêm tổng cộng 5.400 tỷ USD so với trước dịch, và khoảng cách chênh lệch giàu nghèo khiến bất kỳ tấm vé số nào dẫn đến giàu có cũng trở nên hấp dẫn hơn so với việc kiên nhẫn tích lũy tài sản cho đến khi nghỉ hưu.
Từ trước đến nay chúng ta vẫn nghe nhiều về lời khuyên học tập chăm chỉ, làm việc chăm chỉ và miệt mài tiết kiệm để tận dụng sức mạnh của lãi suất kép. Tuy nhiên hàng triệu sinh viên mới tốt nghiệp ở Mỹ bị thất vọng trước thị trường việc làm ảm đạm vì Covid-19, trên đầu là khoản nợ sinh viên cao kỷ lục. Thật hấp dẫn khi nhìn vào viễn cảnh kiếm bộn tiền từ Bitcoin hay các hợp đồng quyền chọn cổ phiếu, dùng số tiền đó để trả hết nợ sinh viên, khởi nghiệp hoặc mua nhà.
Đại dịch càng khiến nhà đầu tư cảm thấy bơ vơ hơn trong bối cảnh trước đó các đột phá công nghệ đã ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như kế sinh nhai. Không giống như bong bóng dot-com, khi internet là thứ quá mới mẻ, khó hiểu; cơn sốt hiện nay thực sự là “làn sóng lan truyền từ người này sang người khác”.
Một nguyên nhân khác gây ra hiện tượng FOMO hiện nay là không có quan điểm đối lập. Những lời cảnh báo đầu cơ ngắn hạn sẽ “kết thúc trong nước mắt” đều không trở thành hiện thực. Một phần là bởi lời cảnh báo đó không giống với hiện thực mà thế hệ Z đang tiếp cận, nhưng thực tế là giá tài sản vẫn liên tục hồi phục và khiến không ít người tiếc nuối. Nhưng có lẽ ở cuối chặng đường chúng ta sẽ tự hỏi tại sao trước đây không ai nhận ra những dấu hiệu cảnh báo đã nhấp nháy từ lâu.
Một số chuyên gia tin rằng liều thuốc chữa FOMO sẽ là chính sách tăng lãi suất. Theo Johanna Kyrklund, CIO của Schroders, những thứ đa dạng hóa danh mục, sự kiên nhẫn và thận trọng sẽ sớm quay trở lại. Nhưng ít nhất là ở thời điểm hiện tại, điều đó chưa thể xảy ra khi mà các cuộc thảo luận trên Reddit vẫn hết sức sôi động.
Và nếu như kể cả Stanley Druckenmiller cũng không thể tránh được FOMO, liệu chúng ta có thể hi vọng gì ở những nhà đầu tư nghiệp dư?
Bình Luận